Trang chủ / Blog / Lưu ý khi lựa chọn và sử dụng bạt phủ ô tô

Lưu ý khi lựa chọn và sử dụng bạt phủ ô tô


Người Việt Nam coi xe ô tô là một tài sản lớn và cần được bảo vệ cẩn trọng. Sử dụng bạt phủ ô tô là biện pháp được nhiều người nghĩ đến nhưng không phải ai cũng nắm rõ cách dùng. Bạt phủ xe Minh Nguyên sẽ chia sẻ cho bạn những lưu ý khi lựa chọn và sử dụng bạt phủ xe ô tô qua bài viết dưới đây.

1. Tìm hiểu về bạt phủ ô tô

Hiện nay, trên thị trường có 2 loại bạt phủ ô tô cơ bản là bạt phủ thông thường và bạt phủ cách nhiệt chống nóng. 
Bạt phủ thông thường được thiết kế từ 1-2 lớp vải, có tác dụng chống bụi, che mưa nắng và bảo vệ ô tô khỏi các tác động nhẹ bên ngoài như bụi bẩn, nhựa cây bám vào xe... Đây là những tạp chất có chứa nhiều thành phần hoá học như axit photphoric, nitrat, một số loại muối và tạp chất khác nên nếu để lâu ngày sẽ tạo thành các vết lốm đốm trên thân xe gây mất thẩm mỹ.
Bạt phủ chống nóng bao gồm lớp tráng nhôm hoặc tráng bạc phản quang bên ngoài và các lớp cách nhiệt bên trong, là dạng bạt ô tô chuyên dụng dùng trong giai đoạn nắng nóng cao điểm của mùa hè. Kiểu bạt này được thiết kế để ngăn ngừa nhiệt độ khắc nghiệt và tia UV từ ánh nắng mặt trời phá hỏng nội thất trên xe. Cường độ tia UV mạnh có thể làm cho bảng điều khiển bị nứt, cong vênh và phai màu.
Hai thuật ngữ trên rất hay được sử dụng thay thế cho nhau và khiến nhiều người dùng nhầm lẫn. Tuy nhiên trên thực tế, hai phụ kiện bảo vệ này phục vụ các nhu cầu rất khác nhau. 

2. Cách lựa chọn bạt phủ ô tô phù hợp

Theo mục đích mua bạt

Điều đầu tiên cần lưu ý là xác định chính xác mục đích sử dụng khi tìm mua bạt phủ cho ô tô. Nếu thường xuyên phải dừng đỗ ngoài trời nắng nóng gay gắt trong thời gian dài, chủ sở hữu xe nên sử dụng loại bạt phủ chống nóng chuyên dụng. Đây là sản phẩm có chức năng cách nhiệt, tản nhiệt và duy trì nhiệt độ không quá nóng cho ô tô trong mùa hè. Ngược lại, nếu chỉ có nhu cầu che chắn cơ bản, bạt phủ ô tô thông thường sẽ là phụ kiện lý tưởng để bảo vệ xe từ các yếu tố bên ngoài như thời tiết, bụi bẩn, lá cây, côn trùng...

Vừa vặn với kích thước xe

Tuỳ từng thương hiệu, thiết kế hay kiểu dáng, mỗi mẫu xe đều có kích thước khác nhau. Nếu chọn đúng kích cỡ, bạt sẽ phủ sát gọn vào thân xe và không bị phập phồng khi sử dụng, hiệu quả bảo vệ xe khỏi các tác nhân bên ngoài càng được gia tăng.

Đính kèm dải phản quang

Nên mua bạt chống nóng có lớp phản quang vì tính năng này đóng vai trò quan trọng trong quá trình cách nhiệt cho ô tô trước bức xạ mặt trời. Lớp phản quang giúp giảm luồng nhiệt lượng hấp thụ vào khoang nội thất bên trong một cách đáng kể. Một lợi ích khác đó là dải phản quang sẽ phát sáng như một dấu hiệu cảnh báo cho các phương tiện khác di chuyển khi xe đỗ ngoài trời buổi tối.
Trên thị trường hiện nay có 2 kiểu phổ biến là phản quang dạng tráng nhôm và phản quang dạng tráng bạc, trong đó phản quang tráng bạc có độ bền và hiệu quả vượt trội hơn. Một số sản phẩm bạt chống nóng cao cấp có lớp phản quang cấu tạo từ sợi carbon và được phủ thêm lớp tráng bạc. 

Có dây buộc hoặc móc sắt 

Trong trường hợp thời tiết xuất hiện gió lớn, mưa giông mạnh, mưa rào…, dây buộc hoặc móc sắt gắn vào bánh xe sẽ giúp cố định vị trí bạt để không bị xô lệch, làm giảm hiệu quả bảo vệ.

Chất liệu sản xuất của bạt

Khi trùm lên thân xe, nếu bạt được cấu tạo từ các chất vải thô ráp, sợi cứng hay vải dù sẽ gây ra tình trạng chà xát vào vỏ xe và làm xước lớp sơn bên ngoài. Để hạn chế nhược điểm này, các nhà sản xuất sẽ may lót một lớp nỉ hoặc bông tại bề mặt tiếp xúc trực tiếp với xe.

3. Lưu ý khi sử dụng bạt phủ ô tô

Cách gấp bạt

Khi không sử dụng, hãy tháo các nút thắt hoặc gỡ các móc sắt ở bánh xe ra, sau đó gấp 2 cạnh bên của bạt vào giữa (trên nóc xe) và cuộn tròn bạt từ đầu xe đến cuối xe cho gọn gàng. Trong quá trình thu gấp, tuyệt đối không nên kéo mạnh bạt ở bất kỳ vị trí nào để tránh gây trầy xước cho phần thân vỏ. 

Không trùm bạt trong thời gian dài

Xe trùm bạt lâu ngày sẽ bị hấp hơi nước, đọng lại trên thành xe rồi phản ứng với các hợp chất khác khiến bề mặt sơn bị bạc màu, khung gầm bị hoen gỉ và oxi hóa khung gầm. Ngoài ra, khí nóng lâu ngày không thoát ra sẽ bốc lên những mùi hôi khó chịu, gây mất vệ sinh và có hại đến sức khỏe của người sử dụng. Tiếp đến, lớp bạc phản quang bắt đầu hao mòn hay bị mủn rồi vỡ thành các mảnh nhựa li ti bám trên thân xe làm mất mỹ quan nếu chưa được xử lý. Người sử dụng thi thoảng nên tháo bạt phủ ô tô ra, lấy phần mặt bạt tiếp xúc với xe phơi dưới nắng để hong khô các mảng ẩm ướt, nấm mốc đã tích tụ sau một thời gian chịu tác động của thời tiết. Sau đó, người dùng mở hết tất cả các cửa để khoang nội thất tiếp xúc với môi trường bên ngoài một thời gian cho không khí xung quanh xe được lưu thông và tuần hoàn, tránh lưu cữu các tạp chất, hơi ẩm độc hại.  

Kết hợp phụ kiện khác để tăng công dụng chống nóng

Những ngày nắng hè, nhiệt độ trong khoang ô tô đỗ ngoài trời có thể lên đến 65 độ C. Với việc xe phải hấp thụ nhiệt lượng cao, một số bộ phận, chi tiết dùng chất liệu nhựa, da, nỉ, sẽ bị xuống cấp nhanh chóng. Những hiện tượng thường gặp đó là phần nhựa bị lão hóa, ố màu hay phồng rộp, các mảng da dễ nứt chân chim, nhăn nhúm... 
Không những thế, khi nhiệt độ cabin ô tô đạt đến ngưỡng 50 độ C, các chi tiết được làm từ cao su hay nhựa vinyl trong cabin như taplo, bảng điều khiển, ghế ngồi… sẽ dễ sản sinh các khí độc hại và ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Ngoài ra, sơn xe bị bạc màu rất nhanh và không giữ được nét tươi mới dưới tác động của bức xạ nhiệt sinh ra từ ánh nắng.
Mặc dù được hình thành từ các lớp vải cách nhiệt nhưng tác dụng chống nóng của bạt không thật sự rõ rệt, nhất là khung giờ cao điểm buổi trưa mùa hè. Nếu phải đậu xe trực tiếp dưới ánh nắng, chủ xe nên kết hợp sử dụng bạt phủ với tấm dán cách nhiệt, tấm chắn tráng bạc hay rèm che kính lái để đạt hiệu quả ngăn ngừa tác hại của bức xạ mặt trời một cách cao nhất.

Chọn thời điểm phủ bạt hợp lý

Sau những chuyến đi xa hoặc lâu ngày chưa vệ sinh thì sẽ có rất nhiều mảng bụi bẩn, bùn đất, hạt cát… bám trên thành xe. Nếu chưa được rửa sạch mà tiến hành trùm bạt luôn, chủ xe có thể vô tình làm hỏng lớp sơn bóng trên bề mặt do sự cọ xát giữa đất cát, bụi bẩn với thành xe. Thế nên, để đảm bảo tính thẩm mỹ, người dùng nên vệ sinh chiếc xe trước khi phủ bạt.
Bên cạnh đó, lái xe cũng cần ghi nhớ không nên trùm bạt ngay khi vừa tắt máy. Lúc này, nhiệt độ ở nắp capo (phần đầu xe) vẫn còn cao sẽ khiến bạt bị chảy nhựa và làm hư hại cho lớp sơn ngoại thất.

Không nên quá lạm dụng bạt ô tô

Mặc dù có một số lợi ích thiết thực không thể phủ nhận, nhưng việc trùm bạt vẫn có những hạn chế nhất định gây bất tiện cho người sử dụng. 
Đầu tiên phải kể đến là sự phức tạp khi phủ hoặc tháo bạt. Cả hai công đoạn này đều tương đối mất thời gian và công sức. Nếu xe có số lần di chuyển ít trong 1 tháng, điều này có thể chưa gây ra quá nhiều phiền toái cho chủ sở hữu. Nhưng nếu phải sử dụng xe hàng ngày để đi làm, đưa đón con cái... thì quy trình trùm và dỡ bạt rườm rà sẽ khiến người dùng mất rất nhiều thời gian và cảm thấy phiền phức. 
Tiếp theo, bạt phủ ô tô dùng lâu ngày mà không được đánh rửa hay giặt sạch thường xuyên sẽ lưu giữ nhiều tạp chất, mùi ẩm mốc hay bám dính các loại bùn đất, bụi bẩn, nước mưa, lá cây phân huỷ… Mỗi lần sử dụng xe, người dùng cần cẩn thận tránh tiếp xúc trực tiếp với bề mặt bạt để không làm bẩn quần áo hay ảnh hưởng đến sức khỏe do vi khuẩn bám vào người.

Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn có kiến thức cần thiết để bảo vệ xế yêu của mình đúng cách.